Gốc cây gù hương khổng lồ ấy, lần đầu nhìn thấy ông ngỡ là một tảng đá lớn. “Tảng đá” ấy được ông thuê người đào lên, đường kính gốc lên tới 7m. Giới sành gỗ lũa đánh giá, bộ lũa của ông đẹp có một không hai, hội tụ đầy đủ nhất mọi giá trị, thẩm mỹ…
Hàng ngày ông Đức ngồi thưởng trà và tiếp khách bằng bộ bàn ghế gỗ lũa có tuổi đời 3.000 đến 4.000 năm này.
Từ mấy năm nay, nhiều nhà khoa học trong nước, thậm chí, rất nhiều nhà nghiên cứu động vật hoang dã trên thế giới đã biết đến ông Nguyễn Công Đức, bởi ông có tài nuôi gấu đẻ sòn sòn như nuôi lợn nái.
Ông Nguyễn Công Đức sinh ra và lớn lên ở phố Thái Hà (Hà Nội) và từng có biệt danh Đức “gấu” vì một thời ông nuôi cả đàn gấu lấy mật cung cấp cho dân nhậu Hà thành.
Thế rồi một ngày, không ai còn thấy ông Đức ở Hà Nội nữa. Ông đã bán nhà lấy tiền mua mảnh đất làm trang trại ở xã Sơn Lâm (Lương Sơn, Hòa Bình), rồi sống hẳn với đàn gấu trong rừng xanh núi đỏ.
“Tảng đá” kỳ lạ
Ngồi giữa trang trại rộng 10 héc-ta, ông chủ trang trại với cái bụng bệ vệ, luôn đeo cặp kính đen bất kể nắng mưa, cười ha hả khoe với khách: “Đời tớ giờ đây có 3 cái nhất. Thứ nhất, tớ là người nuôi được nhiều gấu đẻ nhất Việt Nam, không chừng là nhất cả thế giới. Thứ hai, tớ đã tự xây cho mình ngôi mộ ướp xác trên đỉnh núi độc đáo nhất Việt Nam. Thứ ba, tớ có gốc cây đắt nhất Việt Nam”.
Lúc này, tôi mới để ý đến bộ bàn ghế bằng gỗ lũa của ông Đức mà tôi đang ngồi thưởng trà. Bộ bàn ghế gỗ lũa này chính là một phần vỡ ra của gốc cây gù hương khổng lồ. Nó cũ kỹ, cục mịch mà lúc nào cũng tỏa mùi thơm thoang thoảng.
Ông Đức kể, cách đây 8 năm, khi lang thang trên sườn một ngọn núi đá ở huyện Kim Bôi, ông Đức dẫm chân lên một “tảng đá” to như cái sân nhà, bề mặt “tảng đá” phẳng lỳ, rêu phong xanh rì. Ông Đức cứ ngắm nghía rồi băn khoăn không hiểu thiên nhiên kiến tạo thế nào mà tài tình, kỳ lạ đến vậy.
Giữa lúc ấy, một ông già người Mường đi qua bảo: “Gốc cây gù hương đấy, nó nằm trên đất nhà tao, nếu mày thích tao bán cho?”. Ông lão người Mường kể rằng, vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, người Pháp đã xẻ cây gù hương này ròng rã suốt một tháng rồi đóng vào hàng chục container đưa xuống tàu chở về nước chiết xuất tinh dầu. Riêng phần gốc cây chìm sâu trong lòng núi, lại ít tinh dầu, khó đào nên họ bỏ lại.
Ông Đức giật mình khi biết rằng cái “mặt đá khổng lồ” kia lại là một gốc cây đã bị cắt. Chỉ đến khi ông tận mắt những cái rễ to như cột đình lộ ra ở khe núi ông mới tin đó là gốc cây thật.
Ông Đức hỏi giá: “Thế cụ đòi bao nhiêu tiền cái gốc cây này? Cụ già trả lời không đắn đo: “Tao lấy một triệu hai trăm ngàn để uống rượu thôi”. Tuy nhiên vì gốc cây quá to nên ông Đức đề xuất trả trọn gói cho cụ già người Mường 25 triệu đồng để vần gốc cây xuống chân núi.
Hôm sau, ông Đức mang tiền và chở hơn tạ dây thừng đến. Cụ già người Mường tập hợp 20 thanh niên trong bản vác cuốc, xẻng, xà beng lên núi. Đám người này phải đào bới hì hục suốt nửa tháng trời hệ thống rễ cây mới lộ ra. Lúc gốc cây gù hương lộ thiên, ông Đức lấy thước dây đo, đường kính của gốc cây lên tới… 7m.
Những chiếc dây thừng được buộc vào hệ thống rễ. 30 con trâu mộng được huy động trong bản kéo vẹo mông mới lật được gốc cây lên. Chỉ tiếc, khi gốc cây đổ ập xuống thì vỡ làm ba mảnh. Ông Đức cứ ngồi nhìn gốc cây bị vỡ mà than thở. Giá như gốc cây với đường kính 7m còn nguyên vẹn thì đây sẽ là bộ bàn ghế lũa gù hương lớn nhất Việt Nam.
Giờ đây, ông Đức dùng một mảnh gốc cây gù hương làm bàn, một mảnh làm giường nằm, một mảnh làm ban thờ.
Bộ ghế gồm mấy chục chiếc được cắt từ các đoạn rễ. Đồ dùng bằng gỗ đều được chế tác từ những đoạn rễ của gốc cây gù hương khổng lồ. Đến cả tượng nhà thơ Lý Bạch, đầu đội lá sen, tay nâng chén múc trăng dưới nước uống cũng được chạm bằng gỗ cây gù hương, tỏa mùi hương thoang thoảng suốt ngày đêm...
Một nhà khoa học của Đại học Lâm nghiệp đến trang trại của của ông Đức nghiên cứu về gấu đẻ đã ngạc nhiên khi chứng kiến gốc cây khổng lồ này. Đích thân ông đã đục một miếng gỗ nhỏ về nghiên cứu và thông báo với ông Đức rằng, cây gù hương này có tuổi khoảng 3.000 đến 4.000 năm.
Một vị giáo sư khác làm trong ngành khảo cổ đến trang trại chơi, khi nghe ông Đức kể về gốc cây có đường kính tới 7m, thì không tin lắm. Vị giáo sư kia bảo rằng, nếu gốc loài gù hương có đường kính tới 7m thì tuổi đời của nó phải tính bằng ngàn năm. Vị giáo sư này đã lấy 3 mẫu gỗ ở bàn, ban thờ và giường mang về xét nghiệm.
Chừng một tháng sau, vị giáo sư này cũng điện cho ông Đức công nhận rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy chiếc giường, ban thờ, bộ bàn ghế đều có nguồn gốc từ một gốc cây. Cũng theo nghiên cứu của vị giáo sư nọ, gốc cây gù hương thuộc sở hữu của ông Đức đã sống từ 3.500 đến 4.000 năm trước.
Với tuổi đời như vậy, bộ gốc, rễ cây gù hương mà ông Đức đang dùng làm bàn ghế, giường nằm có giá trị thật khó tưởng tượng.
“Với tôi bộ lũa này là vô giá”
Nhiều tay chơi gỗ lũa nghe tin ông Nguyễn Công Đức có bộ lũa gù hương lớn nhất, độc nhất, quý nhất Việt Nam mà “thèm”. Giới sành gỗ lũa từ Bắc đến Nam kéo đến trang trại của ông để tận mắt ngắm bộ lũa quý ngày một đông.
Đại gia Bá Mạnh nổi tiếng Sài Gòn vì thú chơi gỗ lũa sau khi xem gốc cây gù hương của ông Đức đã gạ đổi 25 bộ lũa cẩm lai, mỗi gốc cây có đường kính 2m, trị giá cả tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đức chỉ cười: “Khuân 25 bộ bàn ghế của anh về tôi lấy đâu ra chỗ trưng bày?”.
Đại gia Mạnh Hùng ở thành phố Vinh (Nghệ An) đến xem và trả 1,2 tỷ đồng nhưng ông cũng không đồng ý. Đại gia Tuấn, ông chủ của hệ thống khách sạn ở Bắc cầu Mỹ Thuận, giả tới 1,8 tỷ đồng cũng không làm ông Đức lung lay.
Mới đây nhất, một người Mỹ (tên “Ky-sơn”, “Ke-sơn” gì đó, ông Đức không nhớ rõ), cùng một cô phiên dịch đã đến tận trang trại của ông Đức trả giá 130 ngàn USD, tương đương với khoảng 2,2 tỷ đồng, nhưng theo lời ông thì có trả cao gấp 10 lần như thế ông cũng không bán.
Theo giới sành gỗ lũa, bộ lũa của ông Đức đẹp có một không hai, không thể có gốc cây nào có tuổi kinh khủng và đẹp nguyên vẹn như gốc cây của ông. Bộ lũa của ông Đức hội tụ đầy đủ nhất mọi giá trị, thẩm mỹ (loài gỗ cực quý, tuổi thọ cao, không bị thủng ở giữa gốc) nên trở thành thứ độc nhất vô nhị, không thể kiếm ra bộ thứ hai ở Việt Nam.
Từ ngày có bộ lũa này, dù ngày hay đêm cũng chẳng có con muỗi nào bén mảng đến ngôi nhà dưới chân núi của ông Đức, mặc dù ở chốn rừng núi này muỗi là loài nhiều nhất và đáng ghét nhất.
Ông Đức bảo rằng, mỗi lúc làm việc mệt nhọc, ngồi thưởng trà bên bộ bàn ghế, ngửi thấy mùi tinh dầu gù hương tiết ra thoang thoảng, tinh thần luôn phấn chấn, vui vẻ.
Đôi khi, cái giường là gốc cây mấy ngàn tuổi này cùng với khung cảnh núi rừng thơ mộng, đưa ông vào những giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ ấy, ông thường cởi trần, đóng khố, đêm ngủ trong hang, ngày đi săn thú. Đối với con người từng bỏ phố lên rừng ở như ông Đức, những giấc mơ kiểu đó thú vị vô cùng.
Sửa chữa tháo lắp nội thất | 091 280 0011 |
Sửa chữa tháo lắp giường tủ | 096 3087 803 |
Sửa chữa nội thất văn phòng | 097 642 9669 |
Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét